Diễn đàn Đầu tư – Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao 2025

(12/6/2025)

Sunwah – Ngày 12/6/2025, Diễn đàn Đầu tư – Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao 2025 đã được tổ chức thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Sự kiện do Liên minh Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (GBA Alliance), Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam (HKVCC) đồng tổ chức cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore (HKETO), Cục Quản lý Khu Hợp tác Dịch vụ Hiện đại Thâm Quyến – Hồng Kông tại Tiền Hải, cùng các cơ quan chính quyền và phòng thương mại tại Thẩm Quyến tổ chức.

Với mục đích thúc đẩy các hoạt động giao lưu và hợp tác đa lĩnh vực giữa Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (GBA), với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đây được xem là cơ hội quý báu để doanh nghiệp hai bên trao đổi và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử, sản xuất, logistics, v.v.

Khách mời danh dự của sự kiện gồm ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM; ông Từ Châu, Quyền Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM; ông Khương Lực Côn, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Chính quyền nhân dân Thành phố Thâm Quyến; ông Phùng Hạo Nhiên, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore; và bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương. Diễn đàn cũng quy tụ hơn 150 đại diện cấp cao của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và đoàn 60 lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện chính quyền từ Vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao (GBA).

Từ trái sang phải: Ông Jesse Choi (thứ ba), Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunwah (Đông Nam Á); Ông Owin Fung (thứ tư), Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (HKETO); Ông Khương Lực Côn (thứ năm), Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Chính quyền nhân dân Thành phố Thâm Quyến; Tiến sĩ Jonathan Choi (thứ sáu), Chủ tịch Liên minh Doanh nhân Vùng Vịnh lớn, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông tại Tiền Hải (Thâm Quyến), và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah; Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ bảy), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM; Ông Từ Châu (thứ tám), Quyền Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM; Ông Viên Phú Dũng (thứ chín), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khu Hợp tác Dịch vụ Hiện đại Thâm Quyến – Hồng Kông tại Thâm Quyến; và lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp tại TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, cho biết, Diễn đàn Đầu tư – Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao 2025 là bước cụ thể hoá nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tạo cơ hội để chia sẻ xu hướng đầu tư – thương mại mới, kết nối đối tác tiềm năng và mở rộng hợp tác song phương. Đây cũng là dịp để thúc đẩy hiệu quả hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt từ Khu vực Vịnh lớn, trong quá trình đầu tư và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Theo dữ liệu của Cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại hai chiều, tăng thêm 33,3 tỷ USD so với năm 2023. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.

Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,4 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ ba, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký đạt 1,81 tỷ USD, chiếm 25,8% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô, nhằm tận dụng lợi thế về chi phí và vị trí địa lý của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xét về địa phương thu hút đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2025, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng dự án đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thành phố chiếm 39,1% số dự án đầu tư mới. Đáng chú ý, các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục quan tâm đến TP.HCM, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, linh kiện điện tử và năng lượng xanh. Sự chuyển dịch này phản ánh xu hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, phát biểu khai mạc Diễn đàn

Ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị đặc biệt. Tuy hiện nay chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước. Đến ngày 15/9/2025, khi quá trình sáp nhập hoàn tất, TP.HCM mới sẽ tăng diện tích từ 2.095 km² lên hơn 7.000 km², dân số tăng từ gần 9,5 triệu người lên khoảng 15 triệu người. Thành phố sau sáp nhập với địa giới hành chính rộng lớn hơn, các nguồn lực dồi dào hơn, môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả, hiệu suất cao hơn, khát vọng phát triển to lớn hơn. Quá trình này cũng sẽ mở ra một giai đoạn và tiềm năng hợp tác mới với các đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Thành phố đang triển khai nhiều đề án chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý, Đề án Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM đã được Bộ Chính trị thông qua vào cuối năm 2024. Thành phố mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Hồng Kông – một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Quá trình phát triển của Hồng Kông, đặc biệt là trong việc ứng dụng tài chính xanh sâu rộng, hướng tới trung tâm tài chính xanh bền vững, là những bài học quý báu cho Thành phố trong giai đoạn hiện nay.

TP.HCM cũng mong muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Vùng Vịnh lớn trong lĩnh vực hạ tầng – lĩnh vực then chốt của Thành phố trong giai đoạn hậu sáp nhập. Mô hình phát triển đồng bộ giữa Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao là hình mẫu hữu ích cho TP.HCM trong thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng không gian phát triển. Bên cạnh hạ tầng cứng, TP.HCM cũng kỳ vọng tăng cường “liên kết mềm” với Vùng Vịnh lớn thông qua hợp tác chuyển đổi số, tập trung vào chia sẻ công nghệ AI trong quản trị đô thị, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu lớn và triển khai nền tảng Fintech thanh toán xuyên biên giới.

Phó Chủ tịch TP.HCM cũng cho biết khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và TP.HCM hiện là nguồn cung thực phẩm quan trọng cho Trung Quốc, đặc biệt là Khu vực Vịnh Lớn. Do đó, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong mở rộng ngành chế biến thực phẩm thông qua việc tối ưu hóa vận chuyển nông sản, tăng cường giao thương và chia sẻ công nghệ chế biến hiện đại để giúp doanh nghiệp TP.HCM tiếp cận hiệu quả hơn thị trường Khu vực Vịnh lớn.

Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Liên minh Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam và Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông tại Tiền Hải, Thâm Quyến, và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc về lợi thế của Vùng Vịnh lớn. Hồng Kông đóng vai trò là trung tâm tài chính toàn cầu, với hệ thống pháp lý minh bạch, thị trường vốn sâu rộng và mối liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư quốc tế. Thâm Quyến nổi bật với khả năng sáng tạo công nghệ nhanh chóng và sản xuất phần cứng, trong khi Quảng Châu dẫn đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ sinh học và giao thông thông minh. Mỗi thành phố trong Vùng Vịnh lớn có thế mạnh riêng biệt, tạo nên mạng lưới hỗ trợ toàn diện, thúc đẩy thương mại hóa nhanh chóng các ý tưởng – từ phòng thí nghiệm đến thị trường.

Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Liên minh Doanh nhân Vùng vịnh Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam và Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông tại Tiền Hải, Thâm Quyến, và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah

Với nền tảng vững chắc đó, ông tin tưởng rằng GBA sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa Trung Quốc và Việt Nam – không chỉ trong thương mại, mà còn trong đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và đầu tư phát triển bền vững. Tinh thần cởi mở, sự năng động của các thành phố trong GBA, cùng với nhu cầu hội nhập sâu rộng của Việt Nam, sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác ngày càng thiết thực và bền vững.

Đại diện cho chính quyền Thành phố Thâm Quyến, ông Khương Lực Côn chia sẻ Thâm Quyến giữ vai trò then chốt trong Vùng Vịnh lớn và là trung tâm kinh tế – công nghệ hàng đầu châu Á. Với GDP đạt 516,9 tỷ USD vào năm 2024, Thâm Quyến nổi bật trong các lĩnh vực chiến lược như 5G, AI và xe năng lượng mới. Ông rất hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp và đối tác Việt Nam đến Thâm Quyến để tìm hiểu cơ hội hợp tác; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Thâm Quyến đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam, khuyến khích du khách Thâm Quyến đến tham quan các danh lam thắng cảnh tại Việt Nam để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt thêm tình hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Ông Khương Lực Côn, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Chính quyền nhân dân Thành phố Thâm Quyến

Bà Trương Thuần, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh và Dịch vụ Chuyên nghiệp của Cơ quan Quản lý Khu Hợp tác Dịch vụ Hiện đại Thâm Quyến – Hồng Kông tại Tiền Hải, nhấn mạnh vị thế của Tiền Hải là “đặc khu trong lòng đặc khu” và là cửa ngõ quan trọng cho hợp tác giữa Việt Nam và Vùng Vịnh lớn (GBA). Với vị trí chiến lược trong khu vực GBA, Tiền Hải có khả năng kết nối nhanh chóng với Hồng Kông và Ma Cao, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại và hệ sinh thái công nghiệp toàn diện gồm 18 cụm ngành trọng điểm về dịch vụ hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ. Bà cũng nhấn mạnh các ưu đãi pháp lý và thuế tại đây, bao gồm luật bảo vệ nhà đầu tư cấp khu vực đầu tiên tại Trung Quốc và cơ chế cho phép áp dụng luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp. Với các nền tảng hỗ trợ toàn diện như Trạm điện tử Kinh doanh Quốc tế Tiền Hải và chính sách hợp tác chặt chẽ với Hồng Kông về bảo vệ sở hữu trí tuệ, Tiền Hải là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hoạt động trong môi trường pháp lý minh bạch.

Bà Trương Thuần, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh và Dịch vụ Chuyên nghiệp của Cơ quan Quản lý Khu Hợp tác Dịch vụ Hiện đại Thâm Quyến – Hồng Kông

Đại diện cho chính quyền Hồng Kông, ông Phùng Hạo Nhiên, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore, đã chia sẻ về thế mạnh của Hồng Kông trong vai trò là một trong những thành phố quan trọng của Vùng Vịnh lớn cùng với những chính sách quan trọng mà Hồng Kông đang thực hiện trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, tài chính và thu hút nhân tài giữa Hồng Kông với Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Ông Phùng Hạo Nhiên, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore

Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Trạm điện tử Kinh doanh Quốc tế Tiền Hải và Phân hội Việt Nam của Liên minh Doanh nhân Vùng Vịnh Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, đồng thời ra mắt Trạm điện tử Kinh doanh Quốc tế Tiền Hải – Chi nhánh Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam cũng tiến hành ký kết loạt thỏa thuận hợp tác, mở ra nhiều triển vọng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, và sản xuất.

Lễ kí kết hợp tác giữa các bên

Share this post