Tập đoàn Sunwah hỗ trợ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế APC-TCIL 13: “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế”

(15/10/2022)

Sunwah –  Ngày 15/10/2022 vừa qua, dưới sự đồng hành và tài trợ của Quỹ Sunwah thuộc Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông), Hội thảo khoa học quốc tế về Giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 13 (APC-TCIL 13)  tổ chức thành công tại Trung tâm Văn hóa ULIS-Jonathan KS Choi tại Hà Nội. Hội thảo có sự góp mặt của hơn 400 chuyên gia, học giả hàng đầu từ các quốc gia và khu vực như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Mỹ, Malaysia, Singapore, Myanmar, v.v qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Quỹ Sunwah đã có bài phát biểu khai mạc thông qua hình thức video.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lâm Quang Đông, phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định chủ đề của hội thảo “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế” đã bắt đúng dòng chảy của nhu cầu xã hội, có tính thiết thực cao. Hội thảo lần này cũng chính là cơ hội để các nhà giáo dục và nghiên cứu tiếng Hán trong khu vực và trên thế giới học tập lẫn nhau, để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Hội thảo kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực cho lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hán trong khu vực và trên thế giới, bởi vì sự trao đổi học thuật, trao đổi kinh nghiệm có thể mang lại những đổi thay lớn lao.

a1d5caa30121c67f9f304PGS. TS. Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc của Hội thảo, Tiến sĩ Jonathan Choi qua video phát biểu của mình đã giới thiệu về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Dạy và Học tiếng Hán ULIS-Sunwah – dấu ấn hợp tác tích cực giữa hai bên hơn 10 năm qua. Dưới sự hỗ trợ của Quỹ Sunwah, Trung tâm này đã tích cực thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc tại Việt Nam và trong khu vực thông qua nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị chuyên đề tiếng Trung; tổ chức các chuyến giao lưu học thuật, giao lưu văn hóa Việt Nam – Trung Quốc; tài trợ xuất bản hơn 20 đầu sách tham khảo, sách chuyên ngành, và nhiều bài báo xuất bản trong và ngoài nước; tài trợ các học bổng du học Trung Quốc; v.v. Quỹ Sunwah cũng đã nhiều lần tổ chức các chuyến khảo sát văn hóa và giao lưu học thuật cho đoàn giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội sang Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, cũng như nhiều quốc gia và khu vực khác, trong đó bao gồm việc tham gia các lần hội thảo thường niên của Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương. Đánh giá cao những thành quả hoạt động của Hiệp hội, tiến sĩ Choi tin rằng lần hội thảo thứ 13 này có thể góp phần thúc đẩy sự nghiệp giảng dạy Hán ngữ ở các nước và mở ra cơ hội hợp tác mới trong giảng dạy Hán ngữ quốc tế trong khu vực.

e573c4070f85c8db91945Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Quỹ Sunwah, phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dạy và Học tiếng Hán ULIS-Sunwah cũng đã bày tỏ sự cám ơn sự ủng hộ mạnh mẽ của Tập đoàn Sunwah và Quỹ Sunwah trong suốt thời gian qua. “Sự lớn mạnh và phát triển của Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương không thể tách rời khỏi sự ủng hộ và giúp đỡ của mọi tầng lớp xã hội. Tập đoàn Sunwah Hồng Kông đã hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung Quốc tại Việt Nam trong hơn mười năm, cũng như đã nhiều lần tài trợ cho Việt Nam tổ chức các hội thảo giảng dạy Hán ngữ quốc tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp hội xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Tiến sĩ Jonathan Choi và Tập đoàn Sunwah Hồng Kông, và hi vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Sunwah trong thời gian tới.”

cb21e85523d7e489bdc66Bà Lê Thu Lụa (thứ nhất từ phải sang), Trưởng Đại diện Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội, nhận hoa cám ơn từ ban tổ chức

Diễn ra theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đã có 3 báo cáo tham luận được trình bày tại phiên toàn thể, đặc biệt có sự tham dự và báo cáo của 2 giáo sư đại diện cho Hiệp hội Giáo viên tiếng Trung Hoa Kỳ và Hiệp hội Giảng dạy tiếng Hán châu Âu. Các báo cáo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu giảng dạy tiếng Hán, nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp tiếng Hán, nghiên cứu kiểm tra đánh giá và phương pháp giảng dạy các kỹ năng tiếng Hán, nghiên cứu xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và đào tạo nguồn nhân lực tiếng Hán, nghiên cứu văn tự, văn hóa Trung Quốc, v.v. Đặc biệt, hội thảo lần này có một số lượng lớn bài báo cáo bàn về các phương thức và mô hình giảng dạy tiếng Hán trực tiếp kết hợp trực tuyến để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid vẫn đang diễn biến khó lường hiện nay. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Phân hội giảng dạy và nghiên cứu tiếng Tiếng Trung Quốc thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chính thức được ra mắt. Phân hội được thành lập với mong muốn phát triển, kết nối công tác đào tạo, nghiên cứu tiếng Trung tại Việt Nam.

f16a47248ca64bf812b71

4ba0e8d22350e40ebd412Các diễn giả quốc tế trình bày báo cáo tại Hội thảo

 APC-TCIL là hội thảo thường niên của Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ lần đầu tiên tổ chức năm 2009, hội thảo thường xuyên tiến hành các hoạt động trao đổi học thuật quy mô lớn, thu hút các chuyên gia và học giả trong cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy Hán ngữ từ hơn 10 quốc gia và các vùng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là năm thứ hai hội thảo được tổ chức tại Việt Nam, cũng là lần thứ hai Tập đoàn Sunwah đồng hành cùng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong suốt chương trình. Hội thảo APC-TCIL lần thứ 13 đã nhận được 297 báo cáo tóm tắt và 85 toàn văn báo cáo khoa học có chất lượng cao để đưa vào cuốn kỷ yếu hơn 760 trang. Những kết quả nghiên cứu được trình bày tại APC-TCIL 13 sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán trên thế giới.

fa5ce0282baaecf4b5bb3Đại diện Ban tổ chức, Nhà tài trợ cùng các chuyên gia khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa ULIS – Jonathan KS Choi, Hà Nội

Share this post