Các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông tìm kiếm cơ hội thúc đẩy thương mại cởi mở và đa phương
(30/3/2018)
Sunwah – Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 30/3/2018, nhằm thúc đẩy thương mại mở và xây dựng một hệ thống thương mại đa phương trong khu vực.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp tham dự có cơ hội đối thoại với các cơ quan chính phủ của các nước GMS về lợi ích, cơ hội và thách thức đặt ra trong quá trình toàn cầu hóa cũng như thương mại xuyên biên giới, vốn là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các quốc gia GMS.
Điểm nhấn của Diễn đàn là phiên thảo luận về tầm quan trọng của việc các quốc gia GMS phải bắt kịp với những phát triển mới và tiếp tục tận dụng các cơ hội phát triển kinh tế thông qua thương mại đa phương. Thành viên của Ban tham luận bao gồm đại diện các cơ quan chính phủ liên quan của các quốc gia GMS, và đại diện các doanh nghiệp thuộc các nước GMS và doanh nghiệp quốc tế hàng đầu, trong đó Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam, là một trong những diễn giả chính.
Tiến sĩ Jonathan Choi (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông – Việt Nam, tại Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 30/3/2018
Tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Jonathan Choi chia sẻ quan điểm của ông về tình hình phát triển kinh tế khả quan cũng như tiềm năng đầu tư to lớn của Việt Nam thông qua việc giới thiệu các thành tựu kinh doanh của Tập đoàn Sunwah tại Việt Nam trong gần 50 năm qua. Ngoài ra, Tiến sĩ Choi cũng nhấn mạnh cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia GMS với Trung Quốc và Hồng Kông thông qua các hành lang kinh tế cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA ASEAN – Trung Quốc và FTA ASEAN – Hồng Kông mới được ký kết gần đây.
Tiến sĩ Jonathan Choi và các diễn giả khác cũng đề cập đến các xu hướng phát triển mới trong nền kinh tế toàn cầu có tác động đến các nước GMS. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách tại từng quốc gia GMS và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia này thông qua việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số cũng như tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.
Ban tham luận cũng chỉ ra những thách thức đối với các quốc gia GMS như số lượng dự án thương mại xuyên biên giới vẫn còn hạn chế, kết nối giao thông vận tải và logistics giữa các nước GMS vẫn còn yếu kém, v.v.
Trong buổi phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix (Hồng Kông) tại Diễn đàn, Tiến sĩ Jonathan Choi đề xuất chính phủ các nước GMS tiếp tục thúc đẩy thương mại cởi mở và xây dựng hệ thống thương mại đa phương cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics nhằm tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại giữa các nước GMS. Theo ông, chính phủ cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tiến sĩ Jonathan Choi (phải) trong buổi phỏng vấn với Đài truyền hình Phoenix (Hồng Kông)