banner-sm4

Tiến sĩ Jonathan Choi đề xuất xây dựng Khu vực Đổi mới Sáng tạo Quảng Đông – Hồng Kông – Macao

(22/6/2021)

China.com.cn – Cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Ủy ban Quốc gia khóa 13, thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã được khai mạc vào ngày 21/6 tại Bắc Kinh. Cuộc họp tập trung thảo luận về việc “Thúc đẩy thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và tập trung xây dựng mô hình phát triển mới”.

e2646f68-3bd8-44ef-840a-a6993c40d871Tiến sĩ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia

Tại cuộc họp, Tiến sĩ Jonathan Choi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia, cho biết để xây dựng Khu vực Vịnh Đổi mới Sáng tạo Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao tầm cỡ thế giới, cần phải tăng cường phối hợp giữa các tổ chức nghiên cứu về khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các công ty sản xuất – trường đại học – cơ sở nghiên cứu, ươm mầm và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Ngoài ra, Tiến sĩ Choi cũng đề nghị cần nhanh chóng thành lập các cơ sở đào tạo về luật sở hữu trí tuệ, Trung tâm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Trung tâm trọng tài và Trung tâm giao dịch quyền sở hữu công nghệ quốc tế… nhằm hỗ trợ pháp lý cho sự phát triển lành mạnh và nhanh chóng của các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, các công ty đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Choi cũng chia sẻ Khu vực Vịnh là một trong những nơi có năng lực đổi mới sáng tạo hàng đầu Trung Quốc nên có thể đảm nhận vai trò quan trọng trong việc thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Gần đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia thông báo sẽ sử dụng quỹ đặc biệt trong ngân sách trung ương để đầu tư trực tiếp vào các dự án đổi mới khoa học công nghệ, khởi nghiệp, giáo dục, cơ sở hạ tầng, v.v tại 9 thành phố trong Khu vực Vịnh, góp phần xây dựng “Mô hình Khu vực Vịnh” về đổi mới công nghệ.

Tiến sĩ Choi cũng chỉ ra rằng sức mạnh khoa học và công nghệ của Hồng Kông cũng đóng góp một phần quan trọng trong sức mạnh quốc gia. Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước, tổng vốn đầu tư cho R&D tại Hồng Kông đã tăng hơn 60%, và số lượng công ty khởi nghiệp đã tăng gấp ba lần, cụ thể năm 2020 có khoảng 3.360 công ty khởi nghiệp, và nhiều công ty “kỳ lân” đã ra đời.

Hồng Kông cũng là một trong những thành phố với nhiều cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp thế giới, 16 phòng thí nghiệm trọng điểm của nhà nước, 6 trung tâm nghiên cứu công nghệ kỹ thuật quốc gia, hàng chục viện sĩ và các nhà khoa học tài năng, các cơ sở nghiên cứu và khả năng ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Trong năm nay, Hồng Kông cũng đã khởi động kế hoạch “các nhà khoa học sáng tạo xuất sắc”, đầu tư 2 tỷ đô la Hồng Kông để thu hút thêm tinh anh trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ từ nước ngoài.

Tiến sĩ Choi tin rằng trong quá trình thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” cần phải phát huy hết những lợi thế riêng của Hồng Kông và Trung Quốc, xây dựng một Khu vực Vịnh đổi mới sáng tạo đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn hai thách thức lớn đó là làm thế nào để luân chuyển nhân tài, kinh phí, dữ liệu và thu hút thêm nhân tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Để đạt được mục tiêu này, Tiến sĩ Choi đề nghị: Trước tiên, cần tăng cường phối hợp của các tổ chức khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Cần thiết lập một cơ chế chung về hợp tác đổi mới do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý với sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan để phát huy hết ưu thế của Khu vực Vịnh, nâng cao sức mạnh đổi mới sáng tạo, đặc biệt là năng lực cạnh tranh cốt lõi của các doanh nghiệp đổi mới và công nghệ.

Thứ hai, phải thúc đẩy hợp tác giữa các công ty sản xuất, trường đại học, cơ sở nghiên cứu và ứng dụng. Lợi thế về nghiên cứu khoa học của Hồng Kông đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi như robot, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin ở đại lục, đồng thời nuôi dưỡng một số công ty công nghệ nổi tiếng. Để tận dụng hiệu quả sức mạnh của Hồng Kông trong giai đoạn thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” về đổi mới công nghệ, đòi hỏi sự hiểu biết, thống nhất và nỗ lực chung của tất cả các bên nhằm sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên như nguồn vốn, nhân tài, y sinh học, đẩy nhanh việc thực hiện và chuyển đổi các kết quả nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Choi tiếp tục chỉ ra rằng cần phải nuôi dưỡng ý tưởng đổi mới sáng tạo và khoa học kỹ thuật. Các trường đại học Hồng Kông và các tổ chức nghiên cứu khoa học ở Thẩm Quyến và Quảng Châu sẽ cần đầu tư thêm các phòng thí nghiệm quốc gia, xây dựng thêm nhiều nền tảng mới, cấp thẻ xanh cho nhân tài trong Khu vực Vịnh, không ngừng đẩy mạnh phát triển ngành nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở Hồng Kông và Ma Cao. Ngoài ra, cần tăng cường mở rộng hợp tác giữa Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao, hỗ trợ Thẩm Quyến và Hồng Kông đẩy nhanh công cuộc đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ các vườn ươm khởi nghiệp và các công ty công nghệ, đồng thời nỗ lực xây dựng “Wall Street – Silicon Valley” phiên bản Thẩm Quyến – Hồng Kông đẳng cấp thế giới.

Dịch từ: China.com.cn

Share this post